Văn hóa ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Có rất nhiều nguyên liệu làm nên món ăn không những đáp ứng tiêu chí ngon, lạ miệng. Mà còn cực kì bổ dưỡng cho sức khỏe.
Vào dịp cuối tuần, chúng ta lại càng có xu hướng lựa chọn các món ăn chế biến cầu kì hơn để thay đổi khẩu vị bên mâm cơm gia đình. Vì đây là khoảng thời gian họp mặt người thân, thư giãn sau khoảng thời gian làm việc mệt nhọc. Nếu cứ ăn mãi những món luộc, hấp, xào… quen thuộc sẽ dễ ngấy và nhàm chán.
Bạn đang phân vân sẽ làm món gì cho gia đình thưởng thức vào dịp cuối tuần?
Mời tham khảo menu món ngon cuối tuần đầy cảm hứng dưới đây nhé.
Bún bò Huế
Đây được coi là món ăn đặc sản thu hút thực khách trong và ngoài nước với hương vị Huế rất riêng, không lẫn với bất kì món nào khác. Nghe có vẻ như khó nấu nhưng nếu chúng ta có công thức trong tay thì sợ gì không thử.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Nửa kí bắp bò.
- 3 gram gân bò.
- Nửa kí xương ống (bò hoặc heo đều được)
- 1 móng giò heo lốc xương.
- Mắm ruốc Huế.
- Tỏi, ớt bột, hành tím, gừng, sả, bột nêm, dầu điều.
- Gia vị nhà bếp: đường, muối, bột ngọt…
- Bún tươi.
- Rau sống các loại: tía tô, hung cây, rau muống bào, giá, bắp chuối…
- Chả cua, chả thịt, giò lụa…
Công thức bún bò Huế chuẩn vị
- Dùng chỉ buộc lại phần bắp giò heo đã lốc xương và phần bắp bò.
- Gừng, sả gọt vỏ rửa sạch, giã nát.
Bắc nồi nước lên bếp chờ sôi, chần sơ xương ống, nạm bò, bắp bò, gân bò và giò heo để loại bỏ hết phần bọt bẩn. Sau đó vớt tất cả ra để ráo, nạm bò cắt miếng vừa ăn.
Hòa 3 thìa canh mắm ruốc Huế với nửa chén nước làm thành hỗn hợp, khuấy cho tan.
Ướp thịt với liều lượng sau: 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh muối, nửa muỗng bột ngọt, 1 thìa canh mắm ruốc pha loãng.
Hành tím, tỏi, sả băm: mỗi gia vị 2 muỗng canh.
- Lót sả cây cùng với gừng ở đáy nồi áp suất, chúng ta hầm xương heo và giò heo với lượng nước ngập vừa mặt thịt, đậy nắp kín.
Khi nước sôi lớn, hạ nhỏ lửa đun thêm 10 phút nữa, sau đó vớt ra cho vào thau nước lạnh để thịt khi ăn sẽ không bị bở.
- Cũng chuẩn bị nồi áp suất và lót sả cây cùng với gừng như ban nãy, chúng ta cho bắp bò, nạm và phần gân bò vào, đổ nước ngập mặt, đậy kín nắp.
Khi nước sôi già, hạ nhỏ lửa đun thêm 20 phút rồi cũng vớt ra cho vào thau nước lạnh.
Tiếp tục với phần nước dùng.
Hòa cả nước hầm xương và nước hầm bò vào chung nồi, cho thêm 5 lít nước lọc. Bắt nồi lên bếp đun sôi và nêm các loại gia vị sẵn có: nước mắm, đường, muối, bột ngọt, mắm ruốc Huế pha loãng… cho vừa miệng.
Để nước dùng bún bò Huế có màu sắc bắt mắt, cho dầu vào chảo, phi thơm sả và tỏi băm cùng dầu điều, chờ cho săn lại rồi tắt bếp. Hòa hỗn hợp này vào phần nước dùng là được.
Như vậy là món bún bò Huế đã hoàn thành.
Chúng ta dọn lên bàn, cắt nhuyễn hành ngò, cắt thịt lợn ra thành từng thớ mỏng.
Bún chần sơ qua nước sôi cho vào bát, xếp thịt, giò chả, gân, nạm bò vào, chan nước dùng vào, cho thêm ít rau mùi, ăn kèm với các loại rau đã chuẩn bị.
Ốc móng tay xào ớt chuông
Thực đơn hàng ngày của bạn đã quá nhiều thịt cá, hãy đổi vị bằng món ăn lạ miệng mà cũng dinh dưỡng không kém này nhé.
Nguyên liệu
– Ốc móng tay.
– Ớt chuông đủ màu.
– Củ hành tây, hành hoa.
– Tỏi.
– Dầu ăn.
– Gia vị nhà bếp.
Hướng dẫn làm ốc móng tay xào ớt chuông:
Bạn có thể tìm mua ốc móng tay tại các siêu thị, loại đã sơ chế sẵn đóng gói hoặc loại ốc tươi mua từ chợ đều ngon.
- Sơ chế:
Ốc móng tay tươi khi mua về ngâm trước khoảng 2 tiếng trong hỗn hợp nước với muối hoặc nước ớt để nhả bớt cát và sạch ruột hơn.
Sau thời gian ngâm, xả sạch lại nhiều lần với nước, vớt ra để ráo.
Ớt chuông rửa sạch, bỏ hạt, cắt cọng vừa ăn.
Tỏi đập dập băm nhuyễn.
Bắt chảo lên bếp, cho vào ít dầu ăn, phi tỏi đến khi hơi ngả vàng cho thơm, cho ốc móng tay vào đảo đều.
Khi thấy thịt ốc vừa săn lại, cho thêm ớt chuông , hành tây, nêm nếm đường, muối, bột ngọt cho vừa miệng. Chú ý đảo nhanh tay cho rau củ xanh và ngấm gia vị rồi tắt bếp. Rắc lên món ăn ít hành hoa.
Món này dọn lên ăn kèm cơm nóng hay mì xào đều rất ngon. Thịt ốc chắc ngọt, rau củ nhiều màu sắc làm cho mâm cơm gia đình hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Mì vịt tiềm
Còn gì kích thích vị giác hơn với món mì vịt tiềm, món ăn được giới thiệu trong nhiều video clip ẩm thực hấp dẫn nhất của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam.
Sao bạn không thử tự tay vào bếp làm món ăn “thần thánh” này.
Nguyên liệu:
- Nửa kí thịt vịt (đùi hoặc ức vịt).
- Nấm đông cô.
- Xương ống heo.
- Cải thìa.
- Thảo mộc các loại, gồm: cam thảo, đinh hương, quế, hồi…
- Bột nêm.
- Xì dầu.
- Rượu trắng.
- Đường, muối, bột ngọt…
- Gừng, tiêu…
- Dầu ăn.
- Vắt mì trứng.
Công thức nấu mì vịt tiềm chuẩn vị
- Sơ chế nguyên liệu
Thịt vịt rửa sạch với nước, đồng thời chà lại với rượu trắng và gừng.
Ướp vịt với tiêu, đường, hạt nêm, nước tương, để vào ngăn mát tủ lạnh cho ngấm đều gia vị.
Xương heo rửa sạch, chần sơ qua nước sôi để loại bỏ chất bẩn. Bắt nồi nước lên ninh nhừ xương heo để ta có nước dùng ngọt tự nhiên. Lưu ý để lửa nhỏ và hớt bọt liên tục để nước không bị lẫn tạp chất.
Cải thìa cắt đầu, tách nhánh, ngâm trong nước muối, sau đó vớt ra rửa sạch để rổ cho ráo.
Ngâm nấm đông cô trong nước, chờ nở ra mềm, rửa sạch, vắt khô, thái miếng vừa ăn.
- Nấu mì vịt tiềm
Cho chảo lên bếp cùng một ít dầu ăn, chiên vàng thịt vịt, đặc biệt là lớp da bên ngoài.
Dùng xoong nhỏ rang tất cả hỗn hợp thảo mộc rồi cho vào nồi nước dùng, để lửa liu riu trong khoảng 40 phút để lấy mùi thơm từ hương liệu.
Lược nước dùng qua rây, bỏ bã thảo mộc. Nước trong có được cho vào nồi lớn, lần lượt thả thịt vịt, nấm đông cô vào hầm khoảng 50 phút cho thịt mềm hẳn.
Bắt đầu nêm gia vị: nước tương, đường, hạt nêm sao cho vừa miệng, đảo nhẹ tay.
Trụng sơ mì và rau cải qua nước sôi, vớt ra để ráo.
- Thưởng thức
Cho vắt mì vừa đủ vào tô, thêm thịt vịt, nấm đông cô, cải thìa. Múc nước dùng nóng chan vào, rắc lên bề mặt ít tiêu xay để món ăn đậm vị hơn.
Nghêu hấp Thái
Những ai là tín đồ của hải sản chắc chắn sẽ không thể bỏ qua món ăn hấp dẫn này. Vị tươi ngọt của nghêu, vị thơm, cay nhè nhẹ của nước dùng thật khó cưỡng.
Đây là món có thời gian chế biến cực nhanh mà lại cực ngon và kích thích vị giác.
Nguyên liệu:
- Nghêu.
- Gừng, sả.
- Tỏi, ớt tươi.
- Sa tế.
- Gia vị nhà bếp.
Nghêu mua về ngâm trong nước trước cho nhả cát, rửa sạch nhiều lần với nước, vớt ra để ráo. Cắt sả thành khúc hơn đốt ngón tay. Tỏi, gừng, ớt cắt lát xếp ra đĩa.
Cho nghêu cùng tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi, đừng quên sa tế và một chút nước mắm nhé. Cho vào nồi nửa chén nước, đun cho đến khi thấy nghêu vừa há miệng thì tắt bếp.
Vậy là đã hoàn thành xong món nghêu hấp Thái chuẩn vị.
Còn chờ gì nữa, múc nghêu ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt rồi dùng ngay thôi nào.
Cá chép nướng tiêu
Nếu bạn đã ngán cá kho, cá chiên, cá hấp thì sao không thử món cá chép nướng tiêu ớt cho ngày cuối tuần này nhỉ.
Không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng, ít dầu mỡ, cá chép nướng tiêu ớt còn là món ăn cực kì “bắt cơm” nữa đấy.
Nguyên liệu:
- Cá chép hoặc bất kì loại cá nào bạn thích.
- Mật ong.
- Rượu trắng.
- Nước tương.
- Gia vị: gừng, tỏi, tiêu, bột ớt…
- Hương thảo khô.
Hướng dẫn cách làm:
- Làm sạch cá
Đánh vảy và cạo sạch phần nhớt trên thân cá, bỏ hết ruột, lấy chỉ máu và phần nước đọng bên trong ra.
Phi lê từng miếng cá, cắt thành khúc nhỏ vừa ăn.
- Ướp cá
Cho hỗn hợp gừng, tỏi, rượu trắng, tiêu, ít bột ớt ướp vào cá, để ngăn mát tủ lạnh trong 30 phút cho ngấm.
- Pha nước sốt
Hòa mật ong với nước tương theo tỷ lệ 1:2 vào chén.
- Nướng cá
Bật sẵn lò trước ít phút.
Lót giấy bạc lên khay, dùng cọ phết lên lớp dầu mỏng, đặt từng miếng cá đã ướp sẵn vào, quết thêm dầu lên cá một lần nữa.
Nướng cá ở nhiệt độ khoảng 210 độ C trong khoảng 15 phút.
Sau thời gian trên, chan phần nước sốt mật ong xì dầu lên cá, rắc thêm hương thảo khô.
Cuối cùng, cho dầu vào chảo nóng, phi tỏi băm, gừng… chờ vàng thơm rồi rưới lên phần cá đã nướng.
Nướng tiếp cá trong vài phút nữa để cho các thành phần nước sốt thẩm thấu, cô đặc lại.
Lấy cá ra khỏi lò, hoàn thành món ăn, dùng khi còn nóng.
Thịt rim tôm mặn
Mâm cơm cuối tuần của bạn chắc chắn sẽ thêm phần hương vị với thịt rim tôm mặn. Đây là gợi ý khá thú vị đấy nhé.
Nguyên liệu:
- Thịt ba chỉ ít mỡ.
- Tôm tươi.
- Hạt nêm, dầu hào.
- Tiêu, đường, muối, nước mắm.
- Hành lá.
Công thức cho ra món ngon:
Thịt heo mua về rửa qua nước muối cho sạch, thái miếng vừa ăn, để ráo. Ướp phần thịt này cùng với tiêu và hạt nêm.
Tôm cắt đầu, lấy chỉ sống lưng, rửa sạch, ướp với ít nước mắm.
Bắt chảo lên bếp, cho vào ít dầu và nước màu dừa, khuấy đều chờ cho lên màu vàng cánh gián thì cho thịt heo vào xào săn.
Tiếp tục cho tôm cùng các gia vị còn lại vào, đảo nhẹ tay cho các thành phần thấm đều. Đậy nắp, để lửa nhỏ liu riu cho đến khi nước kho trong nồi sắc lại, thịt và tôm lên màu bắt mắt, nêm nếm lại lần nữa rồi tắt bếp.
Món này dùng kèm cơm nóng, bún vào những ngày mưa thì thật không gì bằng.
Canh gà hầm ngũ quả
Món ăn này tuy hơi cầu kì về nguyên liệu và gia vị nhưng chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Hãy thử lên thực đơn cho gia đình vào cuối tuần này xem sao nhé.
Nguyên liệu:
- Thịt gà.
- Táo tàu.
- Hạt sen.
- Nấm đông cô ngâm sẵn.
- Củ sen, củ năng.
- Nước dừa.
- Cà rốt tỉa hoa.
- Nước tương.
- Gia vị: đường, muối, bột ngọt.
- Dầu ăn.
Sơ chế:
- Thịt gà cắt miếng nhỏ vừa ăn, rửa sạch để ráo. Ướp thịt gà với ít nước tương, dầu ăn, muối, để trong khoảng hơn nửa giờ cho ngấm.
- Chẻ đôi nấm đông cô hoặc thái miếng tùy thích.
- Củ sen, củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc.
Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa tươi vào hầm cùng củ năng, củ sen.
Trong khi chờ đợi, chúng ta chiên gà cho chín vàng đều hai mặt.
Khi nồi nước dùng đã già, bạn vớt gà sang, thêm vào hạt sen.
Lấy chảo khác, cho dầu vào phi thơm tỏi với nấm đông cô. Chú ý, đảo nhẹ cho săn, tránh cho nấm quá chín.
Vớt nấm đông cô cho vào nước dùng, thêm cà rốt, táo tàu, nêm nếm lại cho vừa ăn.
Vậy là canh gà hầm ngũ quả đã hoàn tất phần chế biến, chúng ta tiếp tục để sôi với lửa nhỏ trong khoảng hơn 30 phút là có thể múc ra dùng ngay.
Trên đây là vài gợi ý nho nhỏ cho món ngon cuối tuần đầy cảm hứng để mâm cơm gia đình bạn thêm phần thú vị và đặc sắc. Ngoài ra, còn rất nhiều món ăn khác với công thức nấu chuẩn vị không kém, mọi người quan tâm vui lòng tham khảo thêm link dưới.